+ Chuyển đổi số là gì: Theo quan điểm phổ biến nhất hiện nay, chuyển đổi số là quá trình chuyển đổi từ cách sống, cách làm việc truyền thống sang cách sống và làm việc mới dựa trên các nền tảng, công nghệ số (Điện toán đám mây-Cloud, trí tuệ nhân tạo-AI, dữ liệu lớn-Bigdata… các hệ thống nền tảng..), ứng dụng số (các hệ thống thông tin, phần mềm…), nguồn dữ liệu số và sự kết nối của chúng trên không gian số, từ đó tạo ra phương thức mới, những cơ hội và giá trị mới cho hoạt động quản lý, điều hành, phục vụ người dân của Chính quyền; hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, trong đời sống, văn hóa của người dân.
- Chuyển đổi số là một chuỗi các hoạt động, là một quá trình hoàn chỉnh áp dụng số hóa và ứng dụng số hóa nhưng ở một cấp độ cao hơn để tạo ra phương thức, cách thức làm việc mới. Chuyển đổi số được diễn giải với ba cấp độ: Số hóa (digitization), ứng dụng số hóa - hoạt động số (digitalization) và chuyển đổi số (Digital transformation).
- Quá trình chuyển đổi số trong hoạt động cung cấp dịch vụ công được coi là hoàn thành khi toàn bộ cách thức, quy trình cung cấp dịch vụ công truyền thống của các cơ quan nhà nước phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp được chuyển đổi sang cách thức, quy trình mới, thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng, 100% dịch vụ công được thực hiện trực tuyến mức độ 4.
* Cần làm gì để chuyển đổi số thành công?
- Chuyển đổi số là một quá trình lâu dài, phức tạp, thực hiện trong nhiều năm, bao gồm nhiều bước. Vì vậy, cần có tầm nhìn xa nhưng chia mục tiêu và lộ trình thành nhiều phần nhỏ, bước nhỏ để thực hiện. Không nên phức tạp hóa, trìu tượng hóa, nhưng cũng không được đơn giản hóa chuyển đổi số, các yếu tố tác động đến chuyển đổi số có sự liên quan mật thiết và tác động đen xen, phức tạp.
-Ở cấp độ địa phương, chuyển đổi số là chuyển đổi sang chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trên địa bàn của địa phương đó. Địa phương chuyển đổi số thành công sẽ đóng góp vào thành công chung của chuyển đổi số quốc gia. Do vậy, chuyển đổi số là nhiệm vụ cần sự vào cuộc quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, triển khai xuyên suốt, đồng bộ từ cấp Trung ương đến địa phương. Trong quá trình chỉ đạo, điều hành thực hiện chuyển đổi số, để thành công, các cấp chính quyền, các cơ quan, đơn vị cần nhận thức đầy đủ và tập trung giải quyết những vấn đề sau:
+Thứ nhất, chuyển đổi nhận thức (nhận thức số). Nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số, muốn chuyển đổi số trước hết phải chuyển đổi nhận thức. Tham gia vào tiến trình chuyển đổi số, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp cần cảm nhận, thấy rõ, nhận thức rõ về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyển đổi số trước khi có hành động cụ thể để thực hiện. Chuyển đổi số không phải là một khái niệm trìu tượng, xa vời, không thiết thực với bản thân.
Trên thực tế chúng ta đang sống trong thời kỳ mà chuyển đổi số là xu thế tất yếu; nhiều cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân đã và đang tham gia vào quá trình chuyển đổi số trên các lĩnh vực quản lý, giáo dục, y tế, kinh tế… nhưng vẫn chưa ý thức được những gì đang diễn ra chính là biểu hiện của thực hiện chuyển đổi số và mình đã và đang làm gì ở đâu, trong quá trình chuyển đổi số.
Tuy nhiên, giữa tham gia quá trình chuyển đối số và tiến tới đạt được các mục tiêu Chương trình chuyển đổi số đặt ra là quá trình lâu dài, việc nâng cao nhận thức, chuyển đổi nhận thức của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, mỗi người dân, doanh nghiệp về chuyển đổi số vẫn cần triển khai ngay những giải pháp cụ thể. Chìa khóa để đẩy nhanh sự chuyển đổi nhận thức nằm ở trong "nhận thức", trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu.