Người mong muốn rằng: trong mười năm, đất nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Lời kêu gọi “Tết trồng cây” của Bác đã được sự hưởng ứng nhiệt tình của Nhân dân cả nước, trở thành một phong trào quần chúng sâu rộng từ hơn nửa thế kỷ qua, tôn thêm một nét đẹp trong văn hóa truyền thống Việt Nam thời hiện đại. Bác đã từng nói:
“Mùa xuân là Tết trồng cây
Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân”
Câu thơ ấy đã thấm sâu vào tâm trí của hàng triệu trái tim con người Việt Nam, thôi thúc , nhắc nhở chúng ta cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về thực hiện theo lời Bác dạy: trồng cây, gây rừng, bảo vệ môi trường. Làm theo lời Bác, việc trồng cây thường xuyên là “một cuộc thi đua dài hạn nhưng nhẹ nhàng, tốn kém ít nhưng lợi ích rất nhiều và nhất là dù các cụ phụ lão đến các em nhi đồng, đều có thể hăng hái tham gia”.
Ngay cả đến giờ phút sắp đi xa, trong Di chúc, Bác Hồ cũng không quên nhắc nhở nhân dân ta phải tiếp tục công việc trồng cây gây rừng: “Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây hoa làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho công nghiệp”.
Như vậy có thể thấy, trong suốt cuộc đời mình, Bác Hồ rất quan tâm tới công cuộc trồng cây, gây rừng và bảo vệ rừng. Tết trồng cây là bài học lớn của Bác để lại cho thế hệ sau về cách sống gần gũi với thiên nhiên, bảo vệ tài nguyên môi trường, về phát triển bền vững, công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước nhưng phải luôn giữ được màu xanh cây cỏ, vì chất lượng cuộc sống của người dân.
Bác Hồ kính yêu đã đi xa, đất trời đã bước vào mùa xuân mới. Tết trồng cây đã trở thành một truyền thống tốt đẹp được nhân dân ta gìn giữ qua nhiều đời. Từ lời Người dạy, phong trào trồng cây, gây rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc luôn được toàn Đảng, toàn dân ta ra sức hưởng ứng bằng nhiều hành động cụ thể. Ngày nay, trong bối cảnh trái đất của chúng ta đang đứng trước những vấn nạn như ô nhiễm môi trường, trái đất nóng lên do hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu, thiên tai lũ lụt, hạn hán… thì công cuộc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đã trở thành một trong những chính sách quan trọng hàng đầu của Chính phủ các nước trên thế giới, trong đó có Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Hơn 60 năm đã trôi qua, “Tết trồng cây” do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động và những lời căn dặn của Người về giữ gìn, bảo vệ môi trường sinh thái thân thiện, bền vững với đời sống con người càng có ý nghĩa lớn lao và thiết thực. Tấm gương sống giản dị, gần gũi với thiên nhiên, tư tưởng, triết lý sống tiến bộ về bảo vệ cảnh quan môi trường sinh thái và tài nguyên thiên nhiên để phát triển bền vững của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành kim chỉ nam hành động đúng đắn cho các thế hệ hôm nay và mãi mãi về sau.
Căn cứ vào chỉ tiêu UBND huyện giao và thực trạng hiện nay, để phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời nhằm tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa phong trào trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ trên địa bàn thị trấn, hưởng ứng Tết trồng cây xuân Giáp Thìn, UBND thị trấn đề nghị các cơ quan đơn vị, ban ngành đoàn thể các nhà trường và toàn thể nhân dân bằng tất cả tinh thần, ý thức trách nhiệm cao nhất tích cực trồng mới, chăm sóc và bảo vệ cây xanh; bảo vệ môi trường góp phần vào việc giảm thiểu biến đổi khí hậu, cũng như việc xây dựng phong cảnh quê hương Thanh Miện nói chung, thị trấn Thanh Miện nói riêng ngày càng xanh – sạch – đẹp như lời Bác Hồ kính yêu đã từng căn dặn.